Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì và kéo dài bao lâu?
Khủng hoảng tuổi lên 3 là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình phát triển tâm trí của trẻ nhỏ. Tình trạng khủng hoảng thường kéo dài từ nửa sau của tuổi lên 3 đến nửa đầu của tuổi lên 4 với mức độ và cường độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi bé.
Dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 3
Một số biểu hiện phổ biến của khủng hoảng tuổi lên 3 gồm:
Tiêu cực
Trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.
Ngoan cố
Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thỏa mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.
Ngang ngạnh
Gần như sự ngoan cố và tiêu cực, nhưng nó có đặc điểm đặc trưng của ngang ngạnh là có tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình.
Tự tiện
Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó.
Vô lễ với người lớn
Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.
Chống đối – nổi loạn
Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ “tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ đang nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn”.
Chuyên quyền
Ở những gia đình có độc nhất một trẻ sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.
Những cách đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3 mà cha mẹ nên thử
Để cùng con vượt qua giai đoạn này, bố mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:
Hạn chế la hét
La hét là một cơ chế phòng thủ mà người lớn thường đem ra sử dụng những lúc trẻ nhỏ không nghe lời. Tuy nhiên, hành động này lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý bé nhiều hơn mà bạn có thể nhận ra dẫu cho việc này có thể làm cho con nghe lời bạn ngay lập tức.
Thay vì rầy la con một cách lớn tiếng, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế và tìm ra những hình thức cảnh cáo nhẹ nhàng hơn. Nguyên nhân là bởi trẻ nhỏ cần được nuôi dạy trong một môi trường tích cực để phát triển trí não khỏe mạnh.
Xây dựng nội quy và giới hạn trong gia đình
Bố mẹ cùng bé đặt ra các nguyên tắc và dứt khoát phải thực hiện đúng; cần có sự nhất quán trong cách dạy trẻ giữa bố và mẹ. Tránh tình trạng một người dạy dỗ, phạt trẻ còn người kia đứng cạnh bênh vực. Cùng nói chuyện với bé những việc nào được/ không được làm trong gia đình.
Học cách lắng nghe
Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi biết được người lớn đang lắng nghe những gì bé đang cố gắng bày tỏ. Nếu con tỏ vẻ khó chịu vì bạn không mua món đồ chơi mà bé thích trong lúc đi siêu thị; hãy nói với con về một điều gì đó. Bạn có thể nói với bé như: “Mẹ biết con rất muốn chú gấu bông đó; nhưng chủ cửa hàng nói rằng tuần sau sẽ đem về thật nhiều bạn gấu đẹp hơn. Chúng ta hãy thử đợi đến lúc đó xem sao nhé”.
Giải thích
Một em bé đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 hiếm khi hiểu được vì sao mình lại phải ngừng làm những hành động mà bản thân cảm thấy vui. Chẳng hạn như cắn, đánh hoặc lấy đồ chơi của bạn.
Thay vào đó, bạn hãy là người giải thích cho con về sự đồng cảm: “Nếu con làm các bạn nhỏ khác đau, bạn sẽ khóc và rất buồn”. Biện pháp này sẽ giúp bé hiểu được rằng hành vi của mình ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và không hề tốt chút nào.
Cho trẻ quyền lựa chọn
Thay vì ra lệnh, bắt bé làm theo ý mình thì bố mẹ hãy đặt ra quyền lựa chọn; ví dụ như “Con muốn uống 1 ly sữa hay nửa ly sữa?“. Trao quyền tự chọn cho bé để bé thấy hài lòng hơn.
Khi trẻ khóc lóc, ăn vạ
Thay vì dỗ dành thì hãy đánh lạc hướng trẻ bằng cách tạo ra các hoạt động khác để thu hút sự chú ý của chúng thậm chí, đôi khi, hãy “phớt lờ” đi tiếng khóc đó. Mỗi lần ăn vạ – hay còn gọi là những cơn tantrum, hãy để trẻ khóc, trẻ bình tĩnh, sau đó hãy nói chuyện. Khi trẻ khóc ăn vạ rất to, hạn chế động chạm vào người bé.
Chú ý đến bé
Tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 khiến trẻ nhỏ sẽ làm mọi cách để thu hút sự chú ý từ người lớn; bạn có thể nhận biết điều này qua việc con thường xuyên tìm cách lấy điện thoại di động những lúc bạn đang sử dụng; hoặc chen vào giữa bạn và máy tính khi bạn đang làm việc. Dĩ nhiên, người lớn cần phải hoàn thành những nhiệm vụ hàng ngày; và không phải lúc nào cũng có thể chơi đùa với con.
Do đó, nếu bé tỏ ra muốn được bạn quan tâm đến; hãy tạm dừng việc đang làm trong chốc lát để ôm con; và hỏi xem trẻ có cần uống nước hoặc ăn gì đó không.
Hãy ôm con thật nhiều
Trẻ trong độ tuổi lên 3 cần rất nhiều cử chỉ yêu thương từ người lớn; ngay cả khi bạn đang làm gì đi chăng nữa. Hãy luôn sẵn sàng dành cho trẻ những vòng tay âu yếm; ôm chặt con và luôn nói: “Bố mẹ yêu con” dẫu cho lúc ấy bé chưa hẳn ngoan ngoãn.
Dạy con nghe lời
Thực tế là chẳng ai sinh ra đã ngoan ngoãn ngay mà điều này cần đến quá trình rèn luyện. Tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ thôi thúc nhu cầu chứng tỏ bản thân của bé khiến trẻ thường xuyên phản đối lời bố mẹ.
Mẹo nhỏ cho việc dạy con nghe lời là làm cho bé cảm thấy tự hào; và vui vẻ khi nhận được lời khen từ mọi người xung quanh. Để tập luyện cho điều này, hãy thử bắt đầu yêu cầu bé thực hiện những hành động đơn giản đi kèm với tín hiệu. Ví dụ như: “Bố nói rằng, bé ngoan hãy vỗ tay 3 cái nào”. Sau đó bạn dần dần chuyển sang những việc làm phức tạp hơn như nói bé cất đồ chơi.
Áp dụng time-out
Time-out là hình thức phạt khá phổ biến; mà không cần đến việc phải la hét trẻ nhỏ. Khi bé không ngoan, hãy bế con đến một khu vực yên tĩnh trong nhà; và để bé ở đó trong vòng 10 – 15 phút dẫu cho trẻ có la hét thế nào đi chăng nữa. Nói với con rằng bố mẹ chỉ cho phép bé quay lại chơi; nếu như trẻ chịu kiềm chế và nghe lời người lớn.
Xem Thêm
Khủng Hoảng Tuổi Lên 2
Tìm hiểu
Hãy tìm hiểu và thử tất cả những cách phạt không đánh đòn; nhưng lại có hiệu quả trong việc giúp bé yêu bình tĩnh hơn; và cố gắng khuyến khích những hành vi đúng.
Làm gương cho con
Sẽ có những lúc trẻ khiến bạn vô cùng tức giận; nhưng cho dù thế nào đi nữa, hãy cố gắng giữ bình tĩnh với con. Ở độ tuổi lên 3, bé thường quan sát và lặp lại mọi thứ mà bố mẹ thực hiện hoặc nói. Do đó, bạn hãy cố gắng trở thành hình mẫu tốt đẹp để bé học tập và làm theo.